
Khơi gợi tính tự giác và hứng thú trong học tập ở trẻ. Nuôi dưỡng niềm vui được khám phá kiến thức ngay từ những năm tháng đầu đời. Hãy cùng đọc bài viết này cùng VietElite nhé.
Khơi gợi tính tự giác cho trẻ
Đối với trẻ em ở độ tuổi đi học, điều chủ yếu nhất là phải biết cách học tập. Và điều mà những người làm cha làm mẹ mong mỏi nhất chính là để con cái biết cách học hỏi.
Bồi dưỡng năng lực học tập cho con cái phải bắt đầu từ việc bồi dưỡng hứng thú học tập. Làm cho việc học tập không chỉ là “Tiếp thu kiến thức”. Mà còn có “khả năng nắm vững và vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế”. Mục đích cuối cùng là trở thành con người tài năng có đầy đủ tri thức khoa học. Để giúp con cái biết cách học tập, các bậc cha mẹ nên hướng cho con say mê đọc sách. Đọc sách giúp trẻ mở rộng tầm mắt, mở mang kiến thức và thúc đẩy việc học tập tại lớp.
Giúp trẻ hứng thú tự giác học tập
Hứng thú phát triển sẽ quyết định tới tài năng. Trẻ có khả năng nắm bắt một cách nhanh chóng bài học sẽ kéo theo hứng thú học tập. Việc giải được các bài toán khó và giành được kết quả cao sẽ mang lại niềm vui hứng thú cho trẻ.
Sự hứng thú sẽ ảnh hưởng tới thái độ, phương pháp học tập trên lớp của trẻ. Ảnh hưởng tới phương hướng cũng như sự lựa chọn nghề nghiệp của trẻ sau này. Hứng thú của trẻ càng nhiều thì việc tiếp thu bài học trên lớp càng tốt hơn. Tầm mắt của chúng cũng được mở rộng, có thể lý giải một cách thấu đáo hơn. Khi con còn nhỏ, cha mẹ nên tạo dựng cho con một môi trường và điều kiện tốt. Điều này để để có thể bồi dưỡng niềm hứng thú, đồng thời hướng dẫn con một cách đúng đắn.
Làm gì để khơi gợi hứng thú đọc sách của trẻ?
Bồi dưỡng hứng thú không phải là một quá trình tự phát, nên cả cha mẹ và con cái đều cần nỗ lực. Hứng thú học tập của con càng nhiều, thì thế giới tinh thần của chúng càng trở nên phong phú. Cha mẹ hãy trở thành người dẫn đường tạo dựng niềm hứng thú học tập tích cực cho con mình.
Một số phương diện cha mẹ có thể giúp con bồi dưỡng hứng thú học hỏi như:
– Giúp con phát triển và hình thành khả năng làm phong phú các sỗ thích hữu ích như âm nhạc, thể thao, đọc sách, hội họa, tìm tòi nghiên cứu, phát hiện,…
– Bồi dưỡng hứng thú cho con một cách đa dạng, tránh sự giới hạn cục bộ của hứng thú. Trẻ chỉ hứng thú với một việc đơn lẻ nào đó sẽ khiến cho kiến thức nghèo nàn và làm yếu đi sự phát triển tổng thể. Nhưng điều này không có nghĩa là loại trừ việc trẻ nên có một số hứng thú trung tâm, chủ đạo.
– Tăng cường các hứng thú hữu ích ngẫu nhiên nảy sinh của trẻ. Đồng thời hướng cho chúng phát triển một cách lành mạnh.
– Hạn chế và xoá bỏ những thứ gây trở ngại cho việc học tập trên lớp trong giai đoạn này. Chẳng hạn, chơi các trò chơi điện tử.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nhắc nhở con về mối liên hệ giữa việc xử lý thích đáng những hứng thú khác với việc học tập. Không nên để hứng thú khác làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. Hứng thú là người dẫn đường cho khao khát học hỏi của con cái. Cha mẹ là người dẫn đường cho việc bồi dưỡng hứng thú học hỏi của con mình.
Bồi dưỡng năng lực tự học cho trẻ
Thành tựu đồ sộ, suốt cuộc đời nhà bác học Edison đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Trên thực tế, ông vua phát minh này đã tự học thành tài dưới sự hướng dẫn của người mẹ. Việc bồi dưỡng năng lực tự học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc học tập của con cái. Có thể nói, một đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc sẽ có năng lực tự học tương đối tốt. Kết quả học tập kém chủ yếu do năng lực tự học yếu kém. Bởi học tập trong một môi trường bị thúc ép thì trẻ khó mà thu được hiệu quả cao. Hãy giúp trẻ nắm vững khả năng tự học theo đúng nghĩa. Điều này còn quan trọng hơn việc học thêm hay ghi nhớ một lượng lớn kiến thức sẵn có.
Bởi một người cho dù nắm bắt được bao nhiêu kiến thức đi nữa rồi cũng có thể quên. Song khả năng tự học thì không dễ mất đi.
Vậy năng lực tự học của học sinh thể hiện ở những khía cạnh nào?
Các chuyên gia cho rằng, năng lực này thể hiện chủ yếu ở một số khía cạnh như: Có khả năng tự đọc sách, nắm bắt tốt ý chính của cuốn sách; có năng lực phân tích vấn đề; năng lực vừa nghe giảng vừa ghi chép; khả năng chuẩn bị bài trước, ôn tập và tổng kết từng bài vừa học; có khả năng phân phối thời gian học tập một cách khoa học; vạch ra kế hoạch học tập và có phương pháp học tập tốt, phù hợp với đặc điểm của bản thân. Những khả năng này có thể được bồi dưỡng thông qua hướng dẫn một số khâu cơ bản khi học tập trên lớp hàng ngày.
Cha mẹ cần làm gì để giúp con nâng cao năng lực tự học?
Điều chủ yếu cha mẹ cần làm là đôn đốc con cái nắm được và tuân theo phương pháp học tập một cách chủ động. Làm như vậy, trẻ không chỉ nắm vững kiến thức mà còn nâng cao khả năng tự học của bản thân. Giống như vạn vật trên thế giới này đều vận động theo một quy luật có tính chu kỳ. Việc học tập của con cái cũng có quy luật mang tính chu kỳ. Chu kỳ này có bốn mắt xích: Chuẩn bị bài, nghe giảng, ôn bài (bao gồm cả việc tổng kết bài học) và làm bài tập.
Bốn khâu trên có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn như, chuẩn bị bài tốt thì khi nghe giảng sẽ có mục đích, hiệu quả nghe giảng sẽ cao hơn. Đồng thời sẽ hình thành nên một năng lực mới để tiếp thu tri thức mới tốt hơn. Những trẻ tự giác học tập và có thành tích học tập cao phần nhiều do kết quả giáo dục lâu dài bền bỉ của cha mẹ.
Hướng dẫn trẻ say mê đọc sách
Một người mẹ giáo dục con thành công thường rất chú trọng đến việc phát triển trí lực của con. Chị cho rằng dạy con yêu thích đọc sách là bước đầu tiên để khai phá trí lực của trẻ. Chị nói: “Một đứa trẻ say mê đọc sách không thể là trẻ hư”. Con chị từ nhỏ đã bắt đầu đọc sách. Vậy cha mẹ cần giúp con tiếp cận với sách báo, đi mua sách và thưởng thức thú vui đọc sách như thế nào? Dựa trên kinh nghiệm bản thân, chị đã tổng kết ra sáu phương pháp giúp trẻ say mê đọc sách.
Mỗi ngày đọc một mẩu tin cho trẻ nghe
Cha mẹ chỉ cần xem tiêu đề lớn hoặc một hai đoạn tin tức đầu để nắm được nội dung của mẩu tin. Khi bắt gặp những tin tức bổ ích hãy trích đọc cho con nghe, còn nếu không có tin nào thích hợp với trẻ, hãy kể chuyện cho trẻ nghe.
Lựa chọn chương trình phù hợp để cùng con thưởng thức và thảo luận nội dung
Khi có lịch phát các chương trình truyền hình hàng tuần, hãy cùng con lựa chọn ra chương trình mà mình muốn xem, các chương trình khác có thể không cần xem cũng được. Mới bắt đầu thường rất khó, nhưng một hai tuần sau trẻ sẽ quen dần. Một chương trình truyền hình hay có thể giúp ích rất lớn cho việc khơi gợi tri thức của trẻ, ngược lại các chương trình xấu sẽ tiêm nhiễm và làm tổn hại tâm hồn trẻ. Vậy các bậc cha mẹ có thể giúp con lựa chọn cẩn thận các chương trình được không?
Thường xuyên khen ngợi, khích lệ sự say mê đọc sách của trẻ
Trẻ em cần được người lớn, nhất là cha mẹ yêu thương và quan tâm, cho nên việc thường xuyên khen ngợi hứng thú say mê đọc sách của trẻ là cách bộc lộ tình cảm và sự động viên khích lệ mà cha mẹ dành cho con cái, từ đó tạo nên sự tự tin cho trẻ.
Cha mẹ hãy làm gương cho con
Muốn bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con, điều quan trọng nhất là thái độ của cha mẹ. Cha mẹ có thể lấy mình làm gương, dẫn dắt con bước vào thế giới tri thức rộng lớn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ trong suốt cả cuộc đời sau này. Đương nhiên còn cần phải động viên, khích lệ trẻ luyện thói quen giữ gìn sức khỏe tốt, mỗi ngày đều phải ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng giờ và ăn uống cân bằng đầy đủ chất dinh dưỡng. Như vậy mới có thể dần dần trở thành một thói quen. Việc dạy dỗ của cha mẹ là khởi nguồn hình thành hàng loạt thói quen cho trẻ. Cha mẹ thích đọc sách, con sẽ thích đọc sách.
Những điều cha mẹ không nên làm
Bằng những phương thức dưới đây, cha mẹ có thể dần dần khiến con mình đánh mất đi quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân:
– Chỉ trích con không nghiêm túc làm bài tập, sắp xếp cặp sách chưa gọn gàng. Thế là thay con làm luôn những công việc này.
– Quan tâm quá mức, muốn con có thêm thời gian hoạt động, nên chủ động làm hộ con những công việc này.
Cách làm thứ nhất sẽ khiến trẻ đánh mất sự tự tin vào bản thân. Dần dần con sẽ không coi những việc này thuộc trách nhiệm của mình nữa.
Cách làm thứ hai sẽ không thể biến trẻ thành chủ nhân của việc học tập, không giúp trẻ ý thức được rằng những việc này thuộc phạm vi của trẻ. Làm cho một đứa trẻ thiếu ý thức và năng lực chịu trách nhiệm. Thiếu đi niềm tin và khả năng chủ động hoàn thành bài tập.
Vậy nên hướng dẫn trẻ tự làm bài tập ở nhà như thế nào?
Cha mẹ có thể làm theo những kinh nghiệm dưới đây:
– Đề nghị con kiểm tra bài tập cùng với cha mẹ.
– Để con nói rõ xem một bài tập về nhà nào đó có chính xác hay không, và đưa ra lý do của riêng mình.
– Dần dần làm ra bộ không hiểu biết lắm về nội dung học của trẻ.
– Không nên bày tỏ ý kiến sửa chữa của mình đối với lỗi sai trong bài làm của trẻ, đề nghị trẻ tự suy nghĩ lại.
– Không can thiệp, hãy để trẻ tự kiểm tra bài làm.
Còn về việc sắp xếp cặp sách, nói chung cha mẹ không cần phải lo lắng con mình sẽ quên trước sót sau. Cho dù trẻ có quên mang một quyển sách đi chăng nữa, qua một hai lần có thể bị “phạt”, nhưng từ sau chúng sẽ cẩn thận kiểm tra lại từng thứ trong cặp, nghiêm túc chịu trách nhiệm với việc mình làm. Dựa dẫm là kẻ thù của độc lập. Muốn trẻ chuyển từ dựa dẫm sang độc lập, chủ động thì cha mẹ cần có sự chỉ dẫn đúng đắn cho trẻ.